Thông tin thêm về việc bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết hầu hết các nước đều quy định về đăng ký ban đầu và chuyển tuyến.
Chuyển tuyến để ổn định hệ thống khám chữa bệnh
Một số nước có hệ thống bác sĩ gia đình, còn đa số các nước có cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Đây là nơi người bệnh đăng ký đầu tiên để quản lý sức khỏe, đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Từ đó, nếu người bệnh bị nặng hơn, vượt quá khả năng của cơ sở tuyến dưới thì các nước đều chuyển lên tuyến trên.
Điều này giúp ổn định hệ thống, phân bổ hiệu quả vấn đề điều trị cũng như để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh.
"Nếu chúng ta tự đi khám chữa bệnh ở tuyến trên thì sẽ quá tải. Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng. Họ sẽ phải chờ đợi khám, xếp lịch lâu hơn... Điều này sẽ vô tình làm giảm chất lượng điều trị, nguy cơ tai biến, rủi ro cao hơn"- bà Trang phân tích.
Ngoài ra, người bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên thì người bệnh vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí xã hội, chi phí đi lại, làm tăng chi của quỹ BHYT. Hiện các quốc gia đều thực hiện cơ chế chuyển tuyến.
Sẽ bãi bỏ thủ tục "gây phiền hà"
Bà Trang cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT - đang được thảo luận, lấy ý kiến - sẽ giải quyết hợp lý các vướng mắc trên tinh thần loại bỏ những thủ tục phiền hà. Tuy nhiên, những yêu cầu chuyên môn vẫn phải giữ lại để ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân và cân đối quỹ BHYT.
Đơn cử, với một số bệnh như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh có kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới, tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong thời điểm nhất định, người bệnh được phép lên cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn.
"Bộ Y tế sẽ quy định danh mục các bệnh này. Danh mục này không cố định mà được điều chỉnh tùy giai đoạn. Trường hợp này không cần giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh vẫn phải giữ giấy chuyển tuyến trong năm. Trước đây, cứ đến ngày 31-12, người bệnh phải đi lấy giấy chuyển tuyến của cả năm. Dự thảo sửa đổi lần này sẽ điều chỉnh theo hướng bất cứ thời điểm nào người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến thì được cấp giấy chuyển tuyến"- bà Trang cho hay.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến giữa hệ thống cơ sở khám chữa bệnh để giảm phiền hà cho người bệnh.
Tại buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Từ hai cấp dưới lên cấp chuyên sâu, bệnh nhân vẫn nên có giấy chuyển tuyến.
Lý giải điều này, theo ông Thức, giấy chuyển tuyến có vai trò quan trọng và rất cần thiết trong ngành y. Giấy này có vai trò tóm tắt bệnh án, từ đó bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể đọc được các triệu chứng, biểu hiện ban đầu cũng như diễn tiến bệnh và quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân. Việc này giúp cho việc chẩn đoán và điều trị về sau tốt hơn.
"Bỏ phiếu chuyển tuyến, bệnh nhân bệnh nhẹ lẫn nặng sẽ ùn lên tuyến chuyên sâu, bỏ tuyến cơ sở. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho các bác sĩ tuyến chuyên sâu, có nguy cơ vỡ trận"- ông Thức phân tích.
0 nhận xét:
Post a Comment