Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapre, được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, tổ chức chiều 15-10.
Theo PGS-TS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trong 8 tháng, đơn vị đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Trong đó, có 2 ca hiến tặng trong nước, còn lại là giác mạc hiến tặng từ các Ngân hàng mắt của Mỹ.
Với nguồn giác mạc hiến tặng này bệnh viện đã thực hiện thành công 42 ca ghép mang lại ánh sáng cho người bệnh. Số còn lại được điều phối sang các bệnh viện khác để ghép cho người bệnh.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết từ tháng 5 đến nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.
Ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được nhận giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị, hay mẫu vi sinh vật mà giác mạc là mô cần bảo quản sống.
Tại tọa đàm, đại diện Ngân hàng Mắt Singapore chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật, chính sách về việc thu, điều phối và ghép giác mạc. Theo chuyên gia này, hiến tặng giác mạc không yêu cầu sự tương thích về mô tạng, nhóm máu; bệnh nhân ung thư vẫn có thể hiến tặng. Hơn nữa, việc thu nhận giác mạc có thể diễn ra ở bất cứ đâu và kỹ thuật viên chỉ lấy 1 lớp màng mỏng giác mạc phía trước chứ không lấy toàn bộ nhãn cầu người hiến tặng.
Chuyên gia Singapore nhấn mạnh để tăng nguồn giác mạc hiến, người thân, gia đình của những người qua đời cần đồng ý hiến, do đó công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn rất quan trọng.
Tại Việt Nam, việc lấy và ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, hơn 3.000 người đã được ghép giác mạc, trong đó hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định...
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, đã có 25 ca chết não hiến mô, tạng. Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam từ trước đến nay. Sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công ghép hầu hết các tạng như các nước phát triển như: Ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ, ruột, khí quản, chi thể, ghép đa tạng cho cùng một người bệnh.
0 nhận xét:
Post a Comment