Ngày 30-10, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) bày tỏ băn khoăn về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu.
Theo đó, dự thảo quy định: Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc nhiều loại thuốc; việc áp dụng mua sắm trực tiếp trong từng lần phải đáp ứng điều kiện quy định của khoản 2 Điều 25 Luật Đấu thầu.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh với quy định này, chúng ta đang "gỡ ra hay trói thêm" đối với hoạt động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Theo bà Lan, nếu quy định như dự thảo, thì các nhà thuốc hoạt động trong bệnh viện đều phải thực hiện đấu thầu, như vậy sẽ "bó chặt" hoạt động của họ, thiếu sự linh hoạt.
"Các nhà thuốc bệnh viện mua thuốc về đa số phục vụ những bệnh nhân dạng dịch vụ, đa số thuốc không thuộc danh mục bảo hiểm y tế. Do đó, họ cần được quyền tự lựa chọn hình thức mua, chọn hàng cạnh tranh, hoặc thương lượng trực tiếp với công ty bán thuốc"- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.
Với các nhà thuốc trong bệnh viện, bà Lan cho rằng các quy định quản lý hiện nay đã rất chặt chẽ, thậm chí quy định cả tỉ lệ lợi nhuận, thuốc giá càng cao thì tỉ lệ lợi nhuận càng thấp, còn các nhà thuốc tư nhân bên ngoài chúng ta đang thả nổi theo thị trường. Bà Lan nêu thực trạng khi khan hiếm một mặt hàng thuốc nào đó, giá sẽ bị đẩy lên cao, lúc này "người bệnh là người phải trả giá". Trong khi đó, quy định thì đang "lăm le" để buộc phải đấu thầu, chúng ta đang tự buộc đá vào chân mình.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh đây là vấn đề rất vô lý, gây bức xúc, khi các nhà thuốc trong bệnh viện cũng phải đấu thầu. Ông Thức cho biết vai trò của các nhà thuốc trong bệnh viện là rất lớn, khi thời gian qua đã giúp "hạ nhiệt" tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp ở bệnh viện gặp vướng mắc do quy định đấu thầu này. Ông lấy ví dụ, khi cần 1 khớp gối để thay cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện đã hết, trong khi người bệnh vì sức khoẻ, sinh mạng họ chấp nhận bỏ tiền để mua. Lúc này, nếu được mua ở các nhà thuốc của bệnh viện thì rất yên tâm, vì đã được kiểm soát chất lượng.
Tuy nhiên, các nhà thuốc cũng buộc phải đấu thầu thì mới mua được hàng, điều này gây vướng. Do đó, người bệnh sẽ phải tìm ra các cơ sở bên ngoài để mua vật tư, với giá cao, và chất lượng chưa được kiểm chứng. "Khi người bệnh liên hệ bên ngoài mua khớp gối về, bệnh viện cũng không dám thay, vì không có ông giám đốc bệnh viện nào "liều mạng" để cho dùng cái khớp gối do bệnh nhân tự liên hệ mua bên ngoài"- ông Nguyễn Tri Thức nói và nhấn mạnh lại đây là vấn đề ông rất bức xúc.
Do đó, nhân sửa Luật Đấu thầu, đại biểu đoàn TP HCM kiến nghị cho phép các nhà thuốc trong bệnh viện không cần phải đấu thầu, bởi nếu đấu thầu thì sẽ "khóa 2 chân 2 tay".
Sau khi nghe hai đại biểu Phạm Khánh Phong Lan và Nguyễn Tri Thức phát biểu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị đoàn trong biên bản gửi ý kiến góp ý của đoàn về dự thảo luật, cần đặc biệt lưu ý nội dung này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cũng kiến nghị ban soạn thảo làm rõ đưa ra quy định như trên "nhằm mục đích gì, có lợi cho ai". "Chúng ta cần làm rõ việc này, có phải do vô tình, chúng ta tưởng quy định như vậy là chặt chẽ nhưng lại gây khó hơn. Quy định mà bệnh nhân không có lợi, các nhà thuốc trong bệnh viện không thuận lợi, lại có lợi cho các nhà thuốc tư nhân bên ngoài thì cần làm rõ"- ông Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.
0 nhận xét:
Post a Comment