Người đàn ông tử vong do nhiễm cúm mùa ~ Thuốc Chữa Bệnh Á Sừng

Wednesday, October 23, 2024

Ngày 23-10, liên quan việc một người đàn ông (51 tuổi, ở Bình Định) tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay nam bệnh nhân này nhiễm chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 và có tên là pandemic09 (pdm).

Người mắc cúm A dễ diễn tiến xấu khi có bệnh nền

Người mắc cúm A dễ diễn tiến xấu khi có bệnh nền

Theo ông Đức, cúm A là trong những chủng virus cúm phổ biến, gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Virus này có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt qua các giọt dịch tiết từ mũi, miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi, họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C. Virus cúm A/H1N1 đã gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2009, hàng triệu người nhiễm. Mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 không cao như cúm gia cầm A/H5N1 hoặc A/H7N9, song có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu.

Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 5-2009. Từ đó, cúm A/H1N1 lưu hành trong cộng đồng, khả năng bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ. Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong liên quan cúm, trong đó cúm A/H1N1 là một trong các tác nhân phổ biến.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mô hình bệnh truyền nhiễm thay đổi, không theo tính chất mùa. Với virus cúm năm nào cũng biến đổi thành một chủng mới do đó các nhà khoa học liên tục cập nhật và đưa vào nghiên cứu để sản xuất vắc-xin phòng bệnh. Đây là lý do vì sao vắc-xin cúm thường có miễn dịch ngắn, chỉ hiệu quả trong khoảng 1 năm và người dân được khuyến cáo tiêm nhắc vắc-xin cúm sau 1 năm. "Bệnh cúm mùa thường lành tính nhưng trong một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, phù phổi do suy tim, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, những người trên 50 tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh COPD, trẻ nhỏ… nên tiêm vắc-xin phòng bệnh hằng năm" - GS Kính khuyến cáo.

Bộ Y tế cho biết hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Khi có triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt cao, đau nhức toàn thân, người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

0 nhận xét:

Post a Comment