Ngồi ở bệnh viện chờ lấy thuốc, chị T.M.N (35 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho hay khoảng 6 tháng trước, mỗi lần đứng lên, đi lại thỉnh thoảng chị cảm thấy đầu gối đau cùng với tiếng lạo xạo trong khớp gối. Tuy nhiên, sau đó hết đau nên chị không đi khám.
Còn trẻ đã hổng, khuyết vận động
"Ban đầu, cảm giác cơn đau thoáng qua, sau đó tự hết nên tôi nghĩ do mình ngồi nhiều nên bị mỏi. Gần đây, cơn đau xuất hiện thường xuyên và đau nhiều hơn. Đi khám, bác sĩ xác định tôi bị thoái hóa khớp gối nhẹ nên có thể dùng thuốc cùng với thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Tôi mới 35 tuổi nhưng không nghĩ bị thoái hóa khớp gối sớm như vậy" - chị N. nói.
Tương tự, anh T.C.C (30 tuổi, ở TP HCM) trước đây thường đi làm về muộn và ăn khuya nên khiến anh tăng cân. Gần đây, cảm thấy thân hình nặng nề, anh đi tập gym nhưng xuất hiện tình trạng đau các khớp gối khi nâng tạ. "Ban đầu, cơn đau xuất hiện tôi nghĩ do nâng tạ quá mức. Sau đó, cơn đau nhiều hơn, tôi mua thuốc giảm đau ở tiệm thuốc uống không bớt nên phải đi bệnh viện. Bác sĩ nói do béo phì trong thời gian dài cùng với việc nâng tạ quá sức là một trong những yếu tố khiến tôi bị thoái hóa khớp. Bây giờ, bên cạnh việc uống thuốc giảm đau, kháng viêm, tôi cần giảm cân để tránh tình trạng khớp gối thoái hóa nặng hơn" - anh C. nhăn nhó.
Theo các bác sĩ, thoái hóa khớp gối thường là kết quả của tình trạng mài mòn và mất dần sụn khớp. Bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi nhưng những năm gần đây, người trẻ mắc bệnh này ngày càng nhiều.
BS Lê Tuấn Dũng, Khoa Chi dưới Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết mỗi ngày tại viện tiếp nhận khoảng 160-180 bệnh nhân đến khám các bệnh lý liên quan khớp, trong đó khoảng 30% bệnh nhân gặp triệu chứng đau khớp gối với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng chú ý, tỉ lệ người dưới 40 tuổi mắc bệnh này có xu hướng tăng.
Nguyên nhân khiến người trẻ bị thoái hóa khớp gối phần nhiều là do tính chất công việc khiến nhiều bạn trẻ ngại vận động, dẫn đến chức năng của khớp gối suy giảm và dần dần dẫn đến thoái hóa. Bên cạnh đó, ăn uống thực phẩm chứa nhiều chất béo và calo dễ gây tăng cân tạo áp lực lên khớp gối, thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Ngoài ra, những hoạt động thể thao cường độ cao như bóng đá, chạy bộ cường độ cao có thể làm tổn thương bề mặt sụn khớp và các mô xung quanh. Nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, nguy cơ hình thành cục máu đông có thể gây cản trở lưu thông máu, từ đó gia tăng tốc độ thoái hóa khớp. "Tình trạng béo phì cộng thêm thói quen sử dụng các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá…; tập luyện quá khả năng chịu tải của khớp gối cũng làm tăng nguy cơ" - BS Dũng lưu ý.
Điều trị sớm để bảo tồn
Theo BS Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Hội Y học thể thao TP HCM, thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 thường chưa có dấu hiệu đau, người bệnh vẫn có thể vận động bình thường. Tuy nhiên, sẽ có cảm giác khó chịu khi vận động kéo dài. Ở giai đoạn 2, khi mức độ tổn thương vừa, khiến người bệnh cảm thấy đau khi vận động, nghỉ ngơi sẽ hết. Giai đoạn này nếu được phát hiện, người bệnh không cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tập luyện. Vẫn có thể tập thể thao (đạp xe, đi bộ, yoga, bơi lội...) nhưng tránh vận động thể lực mạnh, không gắng sức.
Giai đoạn 3, cơn đau xảy ra thường xuyên, đôi khi đau sau sinh hoạt bình thường kéo dài (ngồi xổm, quỳ gối, đi bộ 15 phút). Lúc này, người bệnh sử dụng thuốc giảm đau còn duy trì được. Khi qua giai đoạn 4 thì việc dùng thuốc không còn tác dụng.
Theo các bác sĩ, hiện điều trị thoái hóa khớp gối có thể bắt đầu bằng các phương pháp bảo tồn, thay đổi chế độ ăn và tập luyện, dùng thuốc, vật lý trị liệu, tiêm khớp, phẫu thuật chỉnh trục chi. Các lựa chọn điều trị phẫu thuật thay khớp khi điều trị bảo tồn không còn hiệu quả.
TS-BS Phan Đình Mừng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết thoái hóa khớp gối được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả. Ở giai đoạn 1 và 2, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp bảo tồn như giảm tải lực lên khớp gối, giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn gây ra biến chứng nặng nề nhất là phải thay khớp gối.
"Khớp gối được cấu tạo từ xương đùi và xương chày. Trước đây, khi người bệnh có chỉ định thay khớp gối thường phải thay toàn phần. Tuy nhiên, phương pháp này hiện chưa được phổ biến rộng rãi. Tại TP HCM chỉ có một số bệnh viện đã áp dụng phương pháp thay khớp bán phần giúp giữ lại một phần khớp tự nhiên. Điều này hỗ trợ bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, chỉ sau 1 tuần đã có thể đi lại bình thường trong khi trước kia thời gian rất lâu" - BS Lê Tuấn Dũng thông tin.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh bệnh, trong sinh hoạt hằng ngày, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh thừa cân và không ngồi lâu là rất quan trọng. Mỗi ngày, mọi người nên cố gắng đi khoảng 4.000 - 5.000 bước; sau 45 phút ngồi, cần đứng dậy đi lại để máu lưu thông và giữ cho khớp hoạt động. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Cần duy trì BMI trong khoảng 20-25 và bổ sung đầy đủ đạm, vitamin A, D, E và canxi để bảo vệ khớp.
Nên tập luyện, chạy bộ hợp lý
Theo TS-BS Phan Đình Mừng, hiện nay, các phong trào chạy bộ đang phát triển và việc tập luyện thể dục là cần thiết nhưng người lớn tuổi và những ai có vấn đề về khớp gối nên giảm cường độ tập luyện. Các hoạt động như bơi lội, đạp xe hay tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp tăng cường cơ bắp quanh khớp gối mà không làm tăng tải lực lên khớp. Ví dụ ở độ tuổi 20-25, việc chạy 10-20 km là bình thường nhưng từ 30 tuổi trở đi thì chỉ cần duy trì chạy 5 km/ngày là đủ.
0 nhận xét:
Post a Comment